Như các bạn đã biết, để làm bất cứ điều gì, ngoài việc cần biết được mục đích của việc mình làm thì việc lên kế hoạch chi tiết theo mình đánh giá là điều cực kỳ quan trọng không thể thiếu.
Pablo Picasso từng nói rằng :
“Our goals can only be reached through a vehicle of a plan, in which we must fervently believe, and upon which we must vigorously act. There is no other route to success.”
Dịch nôm na ra là : “Ta chỉ có thể đến được đích nhờ chiếc xe kế hoạch, trong nó ta phải tin tưởng mãnh liệt, và với nó ta phải hành động mạnh mẽ. Không có đường khác dẫn đến thành công.”.
Vậy đối việc đi du học thì mình sẽ tiến hành lên kế hoạch như thế nào nhỉ. Nếu bạn vẫn còn đang mông lung, không biết nên bắt đầu từ đâu giống mình thời gian trước thì mình sẽ chia sẻ cách mình làm nhé.
Dân gian mình có câu, cái gì không biết thì tra google, điều đó hoàn toàn đúng. Trong thời đại internet tràn ngập khắp nơi thì việc tiếp cận mọi thông tin là điều khá là dễ dàng. Thế là mình bắt đầu với google, tìm mọi thứ liên quan tới du học. Bắt đầu tìm với từ khóa du học là gì, du học cần những gì. Sau khi có những khái niệm cơ bản, mình tiếp tục tìm hiểu về trường học, ngành học, học phí, hồ sơ cần thiết nhập học, thời tiết của nơi mình dự định đi học… Và tất nhiên là ghi chú lại toàn bộ những thông tin này nhé.
Lấy thông tin từ những nguồn khác:
Việc lấy thông tin không bao giờ là thừa, tất nhiên là nguồn thông tin đó phải đáng tin cậy. Ngoài việc tìm kiếm từ bác google, mình tìm lời khuyên từ những đàn anh, đàn chị hoặc bạn bè đã có kinh nghiệm đi du học. Nếu đã có những mối quan hệ này trước thì sẽ rất thuận lợi cho bạn, nhưng nếu không có cũng không sao, mình có thể tạo lập các mối quan hệ thông qua các kênh mạng xã hội, bạn bè… Mình tin đây là nguồn thông tin cực kì chất lượng mà bạn nên có.
Thông qua các cơ sở tư vấn du học, tất nhiên nó sẽ mất phí và có thể bạn sẽ nhận được cục lơ nếu nếu như họ cảm thấy bạn không là ứng viên tiềm năng (nhà nghèo ba má eo chẳng hạng), nhưng đó là câu chuyện bên lề. Tất nhiên, đây cũng là nguồn thông tin khá ổn cho hành trình du học của bạn đấy.
Đây là tất cả những nguồn thông tin mình đã tiếp cận. Và sau vài tháng, kể từ khi giấc mơ ấp ủ hình thành. Mình đã tạo được bộ khung sườn chính những điều cần thiết để thực hiện giấc mơ này. Mình sẽ liệt kê ở đây cho các bạn tham khảo:
- Ngành học
- Nơi học (quốc gia nào, trường nào)
- Điều kiện nhập học (IELT, SAT)
- Chi phí (học phí, ăn ở, bảo hiểm …)
Từ 4 ý chính này, điều bạn cần làm là đi sâu vào từng cái, trả lời thật rành mạch, rõ ràng, chi tiết cho từng ý. Tất nhiên là trả lời cho chính bạn nhé. Ở bài sau mình sẽ phân tích sâu từng mục một cho các bạn tham khảo.
Và cuối cùng, theo quan điểm cá nhân mình, một kế hoạch tốt là một kế hoạch luôn có kế hoạch dự phòng. Hơn thế nữa, một kế hoạch dự phòng nên có một kế hoạch dự phòng khác.
Nhớ khi xưa Gia Cát Lượng cũng vì ông trời (thứ mà vốn dĩ ta khó mà lường trước được) cũng phải ôm hận nghìn thu khi đối đầu Tư Mã Ý, mặc dù đã lên kế hoạch chi tiết cho trận đánh.
Hơn nữa, mình không phải là kiểu người như “Hạng Võ” khi xưa, mình muốn mọi kế hoạch của mình phải luôn có kế hoạch dự phòng, người Tây phương gọi nó là “backup plan”, vì mình tin rằng trong cuộc sống này luôn có rủi ro (risk), trong kinh tế học họ còn có cả một chuyên ngành quản trị rủi ro tài chính (Financial Risk Manager), dù kế hoạch có hoàn hảo tới đâu thì cũng sẽ có phần trăm thất bại. Thế nên, mình khuyên các bạn nên có một cái “backup plan” nếu giấc mơ ấp ủ kia không thực hiện được nhé.